Đường dây nóng:
THỊ TRẤN BẮC YÊN
Cập nhật lúc: 21-11-2024 12:44 Lượt xem:

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Thị trấn Bắc Yên thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Là thị trấn vùng cao, nằm ở phía đông bắc huyện Bắc Yên. Độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 400-500 m. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21o14'30" độ vĩ bắc đến 104o26'31" đến 104o26'31" độ kinh đông. Tứ cận: Các phía đông, tây, bắc giáp với xã Phiêng Ban, phía nam giáp xã Hồng Ngài và xã Song Pe. Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân thị trấn đi theo quốc lộ 37 dài 1 km. Từ trung tâm thành phố Sơn La đến Uỷ ban nhân dân thị trấn đi theo quốc lộ 6, quốc lộ 37 dài 95 km.

Tổng diện tích tự nhiên 778,46 ha, trong đó đất nông nghiệp 650,99 ha (đất SX nông nghiệp 324,15 ha, đất lâm nghiệp 323,76 ha và một số loại đất khác là 3,68 ha), đất phi nông nghiệp 84,53 ha ( đất chuyên dùng 40,47 ha, đất ở 44,06 ha), đất chưa sử dụng 42,94 ha[1]. Đất mùn vàng đỏ trên núi, phù hợp với trồng các loại cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, phù hợp cho việc trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng.

 Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 18,5oC đến 22oC. Thường nóng nhiều vào các tháng 3, 4, 5. Thường lạnh nhiều vào các tháng 11, 12, 01. Thường nắng nhiều vào các tháng 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 6, 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.500 mm.

Suối Be ở phía tây thị trấn giáp xã Phiêng Ban đổ về suối Ống chảy theo suối Cao đổ ra sông Đà. Suối Hạng, suối Ban, Suối Ọ, suối Trắm ở trung tâm thị trấn đổ về chân dãy núi Hồng Ngài ra suối Sập phía đông thị trấn. Suối Bạ ở phía đông thị trấn đổ về suối Sập. Địa bàn thị trấn có nhiều khe, suối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản, trồng rau xanh các loại, nhất là sản xuất nước sạch như nước uống tinh khiết Bắc Sơn, La Sơn, có mỏ đá ở bản Mới B, doanh nghiệp đang khai thác cung cấp đá làm đường giao thông và các công trình xây dựng với trữ lượng tương đối lớn. Diện tích rừng trồng 50,86ha, diện tích rừng phòng hộ 247,49 ha, độ che phủ của rừng 37,8% / tổng diện tích tự nhiên.

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc thị trấn Bắc Yên như sau:

 

  TT

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

  1.  

Kinh

1 026

1 089

2 115

  1.  

Tày

 11

 16

 27

  1.  

Thái

 532

 565

1 097

  1.  

Mường

 259

 300

 559

  1.  

Nùng 

 1

 2

 3

  1.  

Mông

 278

 192

 470

  1.  

Dao

 18

 22

 40

  1.  

Thổ

 

 1

 1

  1.  

Khơ Mú

 2

 1

 3

  1.  

Hà Nhì

 1

 

 1

Tổng cộng

2 128

2 188

4 316

 

 

 

Đến 31/12/2015, thị trấn Bắc Yên có 9 đơn vị dân cư, 1.429 hộ, 5.049 nhân khẩu[2]:

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

1

Tiểu Khu I

143

526

2

Tiểu Khu II

246

821

3

Tiểu Khu III

229

824

4

Tiểu Khu IV

113

442

5

Bản Phiêng Ban I

260

858

6

Bản Phiêng Ban II

113

413

7

Bản  Phiêng Ban III

169

536

8

Bản Văn Ban

111

351

9

Bản Mới

45

278

Tổng số

1.429

5.049

 

 

II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

 1. Kinh tế

Trong những năm qua, thị trấn đã phát triển nền kinh tế hàng hóa, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế bằng nhiều nguồn vốn của các dự án, chương trình 30a, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ như điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kinh tế trên địa bàn thị trấn có sự chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm, bình quân thu nhập đầu người của thị trấn 17 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,4%. Cơ cấu kinh tế có những chuyển biến tích cực nông nghiệp chiếm 36%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 25%, thương mai - dịch vụ 39%.

Diện tích các loại cây trồng chính: lúa chiêm xuân 10 ha, lúa mùa 50,5 ha, ngô 140,5 ha, cây sắn 24,5 ha, cây lấy củ hàng năm 22 ha, rau xanh 19 ha. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là lúa, ngô, sắn và các loại hoa màu khác hằng năm ước đạt 700 tấn. Những vật nuôi chính: đàn gia súc 2.824 con, trong đó: trâu 343 con, bò 249 con, ngựa 44 con, lợn 2.000 con, dê 179 con; đàn gia cầm 19.650 con.

Thị trấn có 25 doanh nghiệp với các ngành nghề truyền thống như các mặt hàng may mặc, nghề mộc, nghề rèn. Nhìn chung các sản phẩm sản xuất bảo đảm chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thị trấn.

Quốc lộ 37 chạy qua thị trấn từ tây sang đông dài trên 5 km. Tỉnh lộ 112 thị trấn - Tà Xùa dài 14 km. Tỉnh lộ 112 thị trấn - Hồng Ngài dài 8km. Phương tiện vận tải hành khách, hàng hoá tại thị trấn chủ yếu là vận tải bằng xe ô tô: xe chở khách có 15 xe; xe chở hàng hoá có 44 xe; xe con từ 4 đến 7 chỗ 20 xe, xe mô tô 02 bánh có trên 1.500 xe. Trên địa bàn đã phủ sóng mạng lưới viễn thông và các cột ăng ten chuyển, phát tin phục vụ cho thông tin liên lạc và các cửa hàng đại lý như: mạng VinaPhone, Viettel, MobiPhone. Bưu điện huyện Bắc Yên tại Tiểu khu 1 thị trấn Bắc Yên. Trạm viễn thông huyện tại bản Phiêng Ban 2 thị trấn Bắc Yên. Số điện thoại cố định của Uỷ ban nhân dân thị trấn: 0223.860.288.

Chợ trung tâm thương mại huyện Bắc Yên tại Tiểu khu III, chợ Phiêng Ban 1, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và giao lưu của nhân dân. Thị trấn đã mở mang các hình thức kinh doanh dịch vụ như dịch vụ cho thuê ô tô du lịch tự lái, dịch vụ cung ứng các giống cây trồng vật nuôi. Đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo là 8,08%.

2. Văn hóa

Các tiểu khu đều có nhà văn hóa. Thị trấn có 9 đội văn nghệ của các bản, tiểu khu, thường xuyên luyện tập, tham gia giao lưu và biểu diễn trong các dịp diễn ra các sự kiện lớn của thị trấn hoặc trong các dịp lễ, tết. Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, số hộ đạt chuẩn văn hóa hàng năm tăng lên. Tốc độ đô thị hóa những năm gần đây ngày càng nhanh làm cho bộ mặt của thị trấn thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, sầm uất hơn.

3. Giáo dục

Trường học tại thị trấn năm học 2014-2015: mầm non 02 trường, 20 lớp, 524 học sinh, 63 cán bộ quán lý, giáo viên, nhân viên. Tiểu học 01 trường, 19 lớp, 438 học sinh, 38 cán bộ quán lý, giáo viên, nhân viên. Trung học cơ sở 01 trường, 12 lớp, 356 học sinh, 57 cán bộ quán lý, giáo viên, nhân viên. Trung học phổ thông 01 trường, 24 lớp, 899 học sinh, 61 cán bộ, giáo viên. Trung tâm giáo dục thường xuyên 9 lớp, 450 học viên, 28 cán bộ, giáo viên. 01 trường phổ thông dân tộc nội trú, 9 lớp, 258 học sinh, 41 cán bộ giáo viên. Cơ sở vật chất đảm bảo cho đầy đủ theo quy định. Phong trào thi đua dạy tốt trong các trường học sôi nổi, chất lượng học tập của học sinh ngày một tăng, số học sinh khá giỏi trong các trường tăng lên qua các năm học.

4. Y tế, Thể thao

Cơ sở khám chữa bệnh tại thị trấn có: Bệnh viện đa khoa huyện có 100 giường bệnh, 12 bác sĩ, 18 y sỹ, 46 cán bộ điều dưỡng và y tá. Trạm Y tế thị trấn có 01 bác sĩ, 05 y tá, cán bộ điều dưỡng, có 01 nhà làm việc cấp 4, với 7 phòng, 5 giường bệnh, có 05 nhân viên y tế bản, hàng năm khám bệnh cho khoảng 1792 lượt bệnh nhân; có 02 cơ sở y tế tư nhân và 05 cơ sở bán thuốc tư nhân. Công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày một tốt hơn, dịch bệnh được khống chế.

Trên địa bàn thị trấn có 01 sân vận động của huyện tại trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Bắc Yên, 01 sân bóng đá mini tại Phiêng Ban 1, 01 sân bóng đá mini tại trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng. Những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao của các bản, tiểu khu trong thị trấn đã phát triển, các bản, tiểu khu thành lập các đội bóng đá, bóng chuyền thường xuyên luyện tập, tổ chức giao lưu trong các dịp lễ, tết. Phong trào tập luyện cầu lông đã trở thành hoạt động thường xuyên của cán bộ công chức thị trấn. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của phong trào còn hạn chế.

III. LỊCH SỬ

Thị trấn huyện Bắc Yên được thành lập theo Nghị định số 77/NĐ-CP ngày 20/8/1999 của Chính phủ, trên cơ sở tách một số đơn vị của xã Phiêng Ban và một bản thuộc xã Hồng Ngài. Hiện nay, thị trấn gồm có 4 tiểu khu I, II, III, IV và 5 bản Văn Ban, Phiêng Ban I, II, III, bản Mới.

“Ngày 07/9/1999 Đảng bộ thị trấn được thành lập, có 99 đảng viên, đồng chí Quàng Quỳnh Đôi – cán bộ tỉnh tăng cường được chỉ định làm bí thư, đồng chí Lừ Văn Lày- Bí thư Huyện Đoàn được chỉ định làm Phó Bí thư- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân”.

 Tháng 9/2000, Đảng bộ thị trấn tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Ngày 24/6/2005, Đảng bộ thị trấn tổ chức Đại hội lần thứ II. Ngày 07/9/2009 thị trấn tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập thị trấn và khánh thành trụ sở làm việc mới của Uỷ ban nhân dân thị trấn. Từ ngày 28 - 29/01/2010, Đảng bộ thị trấn tổ chức Đại hội lần thứ III. Năm 2014 Đảng bộ  có 323 đảng viên, 100% số bản, tiểu khu trường trạm có chi bộ.

 Thị trấn có 06 liệt sỹ và 05 thương binh.

Các tập thể và cá nhân trong thị trấn được Nhà nước tặng thưởng: 23 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 14 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 23 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 80 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 30 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, 45 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 30 bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương, 35 bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 

 


[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.

[2] Nguồn: Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

 

  • Video
  • Hình Ảnh
Không có video - Upload lại link