XÃ PHIÊNG BAN
I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ
1. Tự nhiên
Phiêng Ban là xã vùng cao, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía đông nam huyện Bắc Yên, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 400-1.000 m. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21o14'35" độ vĩ bắc đến 104o26'31" đến 104o23'52" độ kinh đông. Phía đông và đông nam giáp xã Suối Tọ và xã Suối Bau (huyện Phù Yên); phía tây và tây bắc giáp các xã Song Pe, Chim Vàn, Làng Chếu và xã Tà Xùa; phía nam giáp xã Song Pe, xã Hồng Ngài và thị trấn Bắc Yên; phía bắc, đông bắc, giáp xã Làng Chếu, xã Tà Xùa; phía đông giáp xã Suối Tọ (huyện Phù Yên). Từ Uỷ ban nhân dân xã đến trung tâm huyện 3,5 km, theo quốc lộ 37.
Tổng diện tích tự nhiên 4.914,44ha, trong đó đất nông nghiệp 2.960,01 ha (đất SX nông nghiệp 1.800,80 ha, đất lâm nghiệp1.151,52 ha và một số loại đất khác 7,69 ha), đất phi nông nghiệp 129,13 ha (đất ở 31,35 ha, đất chuyên dùng 71,38 ha và một số loại đất khác 26,4 ha), đất chưa sử dụng 1.825,30 ha[1]. Đất đai thích hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp.
Nhiệt độ trung bình hàng năm 18 - 20oC. Nóng nhiều vào các tháng 3,4,5, 6,7. Lạnh nhiều vào các tháng 11, 12, 1. Nắng nhiều vào các tháng 3,4,5,7. Mưa nhiều vào các tháng 7 - 8. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 mm.
Suối Sập có chỗ rộng khoảng 50 m chảy dọc xã và tạo thành hồ thủy điện Suối Sập ở bản Mòn có diện tích mặt hồ 8ha và nhiều suối nhỏ (trong đó có suối nước nóng) là nguồn nước tưới tiêu chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Rừng nguyên sinh 1.055,52 ha. Rừng tái sinh 10 ha. Rừng trồng 86 ha. Độ che phủ của rừng 44,4% diện tích tự nhiên. Cát ở hồ Suối Sập đang được khai thác là nguồn lợi của xã.
2. Dân cư
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Phiêng Ban như sau:
TT |
Dân tộc |
Nam |
Nữ |
Tổng cộng |
1 |
Kinh |
34 |
18 |
52 |
2 |
Tày |
|
1 |
1 |
3 |
Thái |
1 060 |
1 021 |
2 081 |
4 |
Mường |
254 |
315 |
569 |
5 |
Mông |
779 |
768 |
1 547 |
6 |
Dao |
1 |
1 |
2 |
Tổng cộng |
2 128 |
2 124 |
4 252 |
Đến 31/12/2015 xã Phiêng Ban có 14 đơn vị dân cư, 983 hộ, 4.798 nhân khẩu (nam 2.382 người, nữ 2.416 người)[2]:
TT |
Tên bản |
Số hộ |
Số nhân khẩu |
Cách trung tâm xã (km) |
1 |
Phiêng ban A |
43 |
243 |
8 |
2 |
Phiêng ban B |
24 |
152 |
10 |
3 |
Bản Bụa A |
39 |
253 |
10 |
4 |
Bản Suối ún |
37 |
196 |
7 |
5 |
Bản Suối Thán |
27 |
199 |
4,5 |
6 |
Bản Bụa B |
17 |
100 |
3 |
7 |
Bản Rừng Tre |
50 |
279 |
0,5 |
8 |
Bản Làu Lay |
94 |
353 |
1 |
9 |
Bản Cao đa I |
233 |
999 |
8 |
10 |
Bản Cao đa II |
99 |
450 |
12 |
11 |
Bản Mòn |
114 |
527 |
5 |
12 |
Bản Pu Nhi |
54 |
317 |
3 |
13 |
Bản Hý |
62 |
291 |
5,6 |
14 |
Bản Cang |
90 |
439 |
8 |
|
Tổng số |
983 |
4.798 |
|
II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI
1. Kinh tế
Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Diện tích trồng các loại cây chính có lúa ruộng 120 ha, ngô 745 ha, sắn 350 ha, rong riềng 75 ha. Những vật nuôi chính có gia súc (trâu, bò, ngựa, dê, lợn), gia cầm (gà, vịt). Khai thác thủy sản tự nhiên và thí điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ Suối Sập. Xã xây dựng được nhiều công trình thủy lợi nhỏ, như Suối Cao, Suối Quế, Nà Tống, Nà Tớ, Nà Khá, Suối Bẹ,… góp phần tưới tiêu cho ruộng vườn và nước sinh hoạt của nhân dân. Có 2 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ của Công ty Bắc Minh và Công ty điện Trường Thành. Quốc lộ 37 và đường tỉnh 112 qua xã. Đường liên xã 43 km (32 km đường bê tông, 11 km đường đất). Phương tiện vận tải chủ yếu bằng ô tô, xe máy.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 15% năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/ năm. Năng suất lúa trên 4 tấn/ha, ngô 3,5 - 4 tấn/ ha. Tổng diện tích gieo trồng 1.053,6 ha, sản lượng lương thực có hạt 2.517 tấn/năm, cây lấy củ 800 tấn/năm, diện tích trồng cây ăn quả 32 ha, cây công nghiệp (cây lanh) vẫn được trồng ở các bản vùng cao. Tổng đàn gia súc 6.330 con, đàn gia cầm hơn 10.000 con, bước đầu phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Toàn bộ rừng hiện còn được giao cho các bản và hộ gia đình quản lý nên rất ít bị đốt phá. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ, đáp ứng được nhu cầu cơ bản hàng ngày của nhân dân. Cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư xây dựng: Các trường học, một số công trình giao thông và thủy lợi. Điểm bưu điện văn hóa xã đặt tại thôn Đa Cao 1; còn 11/14 bản chưa có đường dây điện thoại cố định. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 là 32,15%.
2. Văn hóa
Nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ đặt ở trung tâm xã. Du lịch lòng hồ thủy điện Suối Sập ở bản Mòn đang được khai thác. Xã có 9 đội văn nghệ thường xuyên hoạt động nhưng chưa có nhà văn hóa và câu lạc bộ. Các trò chơi dân gian phổ biến: Ném còn, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê,… Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đẩy mạnh.
3. Giáo dục
Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 17 lớp mẫu giáo với 319 học sinh 29 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 02 trường tiểu học, 49 lớp 553 học sinh, 73 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 6 lớp 192 học sinh, 21 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 17 phòng học mẫu giáo, 49 phòng học tiểu học, 06 phòng học THCS.
4. Y tế, Thể thao
Trạm y tế xã đặt ở trung tâm xã, có 01 nhà làm việc cấp 4 với 6 phòng, 05 giường bệnh, 7 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 10 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 1.493 lượt bệnh nhân.
Trạm y tế xã đặt ở trung tâm xã, với 1 y sỹ, 1 dược sỹ, 2 điều dưỡng viên, 2 nữ hộ sinh.
Những môn thể thao truyền thống đánh quay, đẩy gậy… Những môn thể thao mới được yêu thích như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Nhưng chưa có sân bãi rộng, chưa có thành tích nổi bật.
III. LỊCH SỬ
Xã Phiêng Ban được thành lập tháng 9/1953 thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Từ 5/1955 đến 10/1962, thuộc châu Phù Yên, Khu tự trị Thái – Mèo. Từ 10/1962 đến 8/1964, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 8/1964 đến 12/1975, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 1/1976 đến nay, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Xã Phiêng Ban thành lập tháng 9/1953, thuộc huyện Phù Yên. Từ ngày 24/12/1962, xã Phiêng Ban, huyện Phù Yên thuộc tỉnh Nghĩa Lộ. Từ ngày 17/8/1964, xã Phiêng Ban thuộc huyện Bắc Yên, từ năm 1976 Bắc Yên thuộc tỉnh Sơn La. Ngày 16/01/1979, tách xã Phiêng Ban thành 2 xã Hồng Ngài, Phiêng Ban. Năm 1993, chuyển bản Đung về xã Hồng Ngài, chuyển 8 bản vùng cao (Bụa A, Bụa B, Phiêng Ban A, Phiêng Ban B, Suối Thán, Ún, Pu Nhi, Rừng Tre) của xã Tà Xùa về xã Phiêng Ban. Ngày 07/9/1999, trên cơ sở tách một số đơn vị hành chính xã Phiêng Ban thành thị trấn Bắc Yên và xã Phiêng Ban. Hiện nay, xã chia thành 2 vùng có 8 bản vùng cao, 6 bản vùng thấp, nằm dọc quốc lộ 37 (trước là quốc lộ 13 A) và đường tỉnh 112.
Tháng 02/1958, thành lập chi bộ Đảng ở khu vực Suối Sập, vùng Phiêng Ban với 5 đảng viên, do ông Đinh Văn Pèn làm bí thư (lâm thời). Tháng 4/1959, chính thức thành lập chi bộ Đảng xã Phiêng Ban. Từ năm 1958 - 1963, chi bộ xã tổ chức các Đại hội I - IV. Tháng 02/1965, Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Yên tổ chức tại bản Cao Đa, xã Phiêng Ban. Tháng 4/1965, Chi bộ xã tổ chức Đại hội V và thành lập Đảng bộ xã. Từ năm 1967 - 2010, Đảng bộ xã tổ chức các Đại hội VI - XIX. Đảng bộ xã hiện nay có 18 chi bộ, 331 đảng viên.
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc Phiêng Ban đóng góp sức người, sức của và hoàn thành mọi nghĩa vụ cho Nhà nước, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương, đất nước.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, nhân dân các dân tộc xã Phiêng Ban tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Người xã Phiêng Ban là cán bộ lãnh đạo huyện và tỉnh:
- Ông Vì Minh Đô, sinh 1944, dân tộc Thái, nguyên Bí thư huyện ủy từ 1986 - 1990
- Ông Lường Duy Biên, sinh 1960, dân tộc Thái, nguyên Chủ tịch UBND huyện từ 1996- 01/2004, nay là Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh.
- Ông Lường Bằng, sinh 1952, Đại tá nguyên Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Trưởng Công an huyện.
- Ông Mùi Trọng Bứng, sinh năm 1955, Đại tá, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện.
- Ông Mùi Trần Đàm, sinh năm 1961, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ Tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện từ năm 2014 đến nay.
- Ông Lường Duy Bân, sinh năm 1964, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện từ 2004 đến nay.
Xã có Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Nhao.
Các tập thể và cá nhân trong xã được Nhà nước tặng thưởng: 28 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 48 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, 62 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; 100 Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và hạng Nhì; 1 Huy chương Vàng về phong trào văn hóa, văn nghệ; 1 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cho các cá nhân trong Liên hoan văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng IV toàn quốc (năm 1976); 8 Bằng khen của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; 120 bằng khen của Khu tự trị Thái - Mèo, Khu tự trị Tây Bắc và tỉnh Sơn La.
Năm 1963, Hợp tác xã hợp nhất Cao Đa được Bác Hồ tặng 1 chiếc máy cày. Năm 1968, được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 1986, xã được Chủ tịch nước tặng lẵng hoa. Từ năm 1990 - 2009, 8 tập thể và 21 cá nhân được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen. Từ năm 2005 đến nay, Uỷ ban nhân dân xã được tỉnh tặng 5 bằng khen…
[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.
[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La
- Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .