I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ
1. Tự nhiên
Xím Vàng là xã vùng cao, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía bắc huyện Bắc Yên, cách huyện lỵ Bắc Yên 34 km. Địa bàn chia cắt bởi các dãy núi và khe suối, giao thông đi lại khó khăn. Độ cao trung bình từ 800-1500 m so với mặt nước biển. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21021'17" độ vĩ bắc đến 104021'22" độ kinh đông. Tứ cận: Phía bắc giáp xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái); phía đông và đông bắc giáp xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái); phía tây và tây bắc giáp xã Hang Chú; phía nam giáp xã Làng Chếu và xã Tà Xùa; phía tây nam giáp xã Chim Vàn; phía đông nam giáp xã Háng Đồng.
Tổng diện tích tự nhiên 8.247,28 ha, trong đó đất nông nghiệp 5.178,78ha (đất SX nông nghiệp 1.456,12 ha, đất lâm nghiệp 3.722,03 ha và một số loại đất khác 0,63 ha), đất phi nông nghiệp 133,47 ha (đất chuyên dùng 90,51 ha, đất ở 17,40 ha và một số loại đất khác 25,56 ha), đất chưa sử dụng 2.935,03 ha[1]. Đất đai phù hợp với sản xuất nông - lâm nghiệp, như khai hoang ruộng bậc thang, trồng cây lương thực (lúa, ngô, sắn), rừng sinh thái, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật.
Nhiệt độ trung bình hàng năm 18 - 220C. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7, 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng 11, 12 đến tháng 3 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.400 - 1.500 mm.
Xã có suối Chim chảy từ bản Mù huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đi qua các điểm giáp ranh của xã Xím Vàng đến xã Chim Vàn và nhập vào sông Đà dài 35 km. Suối Xím Vàng chảy từ núi cờ Tổ quốc qua bản Sồng Chống xuống xã Chim Vàn và nhập vào sông Đà dài 30 km là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các xã suối chảy qua. Suối Xím Vàng nhỏ chảy từ đồi Ngang xuống giáp cầu Xím Vàng, nhập vào suối Xím Vàng to dài 18 km. Có đập thủy điện Nậm Chim I, Nậm Chim II, diện tích mặt nước 300.000 m2 , lượng nước 4.500.000 m3. Các con suối, hồ trên địa bàn xã là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho các bản Sồng Chống, Xím Vàng, Háng Tâu, Cua Mang... nhưng cũng tiềm ẩn những thiên tai như đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất, hạn hán. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2008 và 2010 thiên tai làm thiệt hại 40% diện tích cây lương thực.
Xã có núi Gò Bua cao 1.600 m, núi bản Cúa Mang cao 1.500 m, núi bản Sồng Chống cao 1.460 m, núi bản Xím Vàng cao 1.455m, núi bản Háng Tâu cao 1.450m, núi bản Pá Ổng B cao 950m, núi bản Pá Ổng A cao 947m. Dốc Sồng Chống dài 2 km, dốc Xím Vàng dài 2 km, dốc Háng Tâu - Cua Mang dài 2,5 km.
Xã có diện tích rừng nguyên sinh 1.432,2 ha, diện tích rừng tái sinh 1.678 ha. Diện tích rừng trồng 612,1 ha. Độ che phủ của rừng 66,1% tổng diện tích tự nhiên. Có những loài thực vật quý hiếm: pơ mu, dổi, nghiến, mộc nhĩ, nấm hương và một số loại cây dược liệu quý hiếm khác... Có những loài động vật quý hiếm: gấu, hoãng, sơn dương, khỉ, chim, lợn rừng...
2. Dân cư
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Xím Vàng như sau:
TT |
Dân tộc |
Nam |
Nữ |
Tổng cộng |
1 |
Kinh |
36 |
15 |
51 |
2 |
Tày |
|
1 |
1 |
3 |
Thái |
8 |
15 |
23 |
4 |
Mường |
5 |
1 |
6 |
5 |
Mông |
1 098 |
1 112 |
2 210 |
6 |
Dao |
2 |
|
2 |
Tổng cộng |
1 149 |
1 144 |
2 293 |
Đến 31/12/2015 xã Xím Vàng có 7 đơn vị dân cư, 439 hộ, 2.604 nhân khẩu (nam 1.310 người, nữ 1.294 người)[2]:
TT |
Tên bản |
Số hộ |
Số nhân khẩu |
Ở cách xã (km) |
1 |
Bản Cua Mang |
67 |
392 |
2 |
2 |
Bản Háng Tâu |
73 |
428 |
2 |
3 |
Háng Gò Bua |
45 |
276 |
1 |
4 |
Bản Xím Vàng |
68 |
409 |
Trung tâm |
5 |
Bản Sồng Chống |
42 |
243 |
7 |
6 |
Bản Pá ổng A |
68 |
366 |
13 |
7 |
Bản Pá ổng B |
76 |
490 |
16 |
Tổng số |
439 |
2.604 |
|
II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI
1. Kinh tế
Kinh tế của xã chủ yếu là phát triển nông nghiệp trồng lúa, ngô, sắn, rong riềng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng táo sơn tra, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích các loại cây trồng chính có lúa ruộng 284,9 ha, lúa nương 376 ha, cây ngô 133,7 ha, cây sắn 7,9 ha (trồng xen với cây ngô). Những vật nuôi chính có trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà. Khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi thả thủy sản cá suối, cá ao.
Trên địa bàn xã có công trình thủy lợi bản Sồng Chống; bản Xím Vàng; bản Gò Bua và công trình thủy lợi bản Cú Mang. Công trình thủy điện Nậm Chim 1 do Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Lam đầu tư có công suất 9MW, sản lượng điện 39 triệu Kwh/năm hoàn thành tháng 4/2010. Đồng bào còn duy trì nghề thêu, rèn truyền thống của dân tộc Mông. Giao thông vận tải xã có tỉnh lộ 112 từ Bắc Yên đi qua xã Xím Vàng dài 34 km, có phương tiện vận tải hành khách từ Bắc Yên - Xím Vàng. Bưu điện văn hóa xã đặt tại trung tâm xã, có 7/7 bản chưa có đường dây điện thoại cố định.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991-1995 là 4,3%/năm, giai đoạn 1996-2000 là 5,2%/năm, giai đoạn 2001-2005 là 6,9%/năm, giai đoạn 2006-2010 là 8,5%/năm, năm giai đoạn 2011 - 2014 là 9,5%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã 9 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 58,98%.
2. Văn hóa
Xã có hồ thủy điện Nậm Chim I, Nậm Chim II là những cảnh đẹp. Có nhà văn hóa tại trung tâm xã Xím Vàng. Đồng bào còn lưu giư những trò chơi dân gian phổ biến như thổi khèn, ném pa pao, đánh tu lu, thổi sáo... Lễ hội dân gian được tổ chức ở xã như thi múa xòe, thi thổi khèn. Phụ nữ khéo tay thi dệt vải, thi nấu ăn... Toàn xã có 7 đội văn nghệ thường xuyên hoạt động, biểu diễn chào mừng các ngày lễ lớn và ngày tết.
Những thầy cúng có tiếng như ông Sồng A Nủ - bản Xím Vàng, ông Sồng A Tú - bản Gò Bua, ông Thào A Chu - bản Sồng Chống, ông Mùa A Phềnh - bản Cú Mang, ông Tráng A Tủa - bản Pá Ổng A, ông Mùa A Tu - bản Pá Ổng B. Đồng bào các dân tộc ở xã có phong tục thờ cúng tổ tiên.
3. Giáo dục
Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 10 lớp mẫu giáo với 229 học sinh 15 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường tiểu học, 22 lớp 379 học sinh, 30 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 6 lớp 178 học sinh, 18 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 10 phòng học mẫu giáo, 22 phòng học tiểu học, 06 phòng học THCS.
4. Y tế, Thể thao
Trạm y tế xã đặt ở trung tâm xã, có 01 nhà làm việc cấp 4 với 6 phòng, 05 giường bệnh, 6 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 07 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 667 lượt bệnh nhân.
Những cây thuốc quý, những bài thuốc hay lưu truyền ở xã như chữa rắn cắn: lá bồ cu vẽ; chữa đau dây thần kinh: long nhãn, lá dâu, đậu ván trắng, củ mài; chữa phong thấp (sưng chân): cây phong thấp, đơn gối hạc, mộc thông; chữa bại liệt: phụ tử, bạch phụ tử, tằm gió; chữa thấp khớp: cây trâu cổ, cỏ xước, thổ phục linh, cây tầm xuân, dây rung rúc, thiên niên kiện, rễ gấc, dây đau xương, cành cây dâu; chữa kiết lỵ: lá mơ lông, lá lốt, hạt cau, thường sơn, hạt dành dành; chữa u tiền liệt: cao ban long, bông má đề, nhục quế, cỏ tranh; chữa phổi yếu: bạch linh, đẳng sâm, bạch truột, cam thảo; chữa viên gan: đan sâm, cỏ nọc sởi, hoàng bá, mộc thông, chi tử, chỉ xác, đại hoàng; chữa hen: ma hoàng, hồ tiêu sọ, nhục quế, cam khương, đinh hương; chữa viêm loát dạ dày: ngũ vị cam, bồ cu vẽ, cây me dây; chữa đau bụng, tiêu chảy: lá bồ cu vẽ, lá dấu, lá dối, lá vòng, lá dưa chuột, lá vông vang.
Xã có 09 sân bóng chuyền và 05 sân cầu lông. Phong trào thể dục thể thao tại xã chủ yếu là bóng chuyền, cầu lông; ném pao và đẩy gậy...
III. LỊCH SỬ
Xã Xím Vàng được thành lập tháng 9/1953 thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Từ 5/1955 đến 10/1962, thuộc châu Phù Yên, Khu tự trị Thái – Mèo. Từ 10/1962 đến 8/1964, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 8/1964 đến 12/1975, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 1/1976 đến nay, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp sử dụng một số tên tay sai, tập hợp thành các cụm phỉ chống phá cách mạng. Quân phỉ do thống lý Giàng Páo Của chỉ huy từ Nậm Khắt đánh chiếm Ngọc Chiến và các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, trong đó có xã Xím Vàng, chúng phát triển lên đến 1.000 tên vào đầu năm 1954. Khu ủy Tây Bắc đã thành lập Ban tiễu phỉ gồm: bộ đội chủ lực và tiểu đoàn 176 phối hợp với dân quân các xã tuyên truyền, vận động hàng trăm tên phỉ trở về làm ăn lương thiện, bắt 29 tên tay sai ở khu 99, giải phóng các xã vùng cao của huyện Bắc Yên.
Tháng 4/1965, chi bộ xã được thành lập, có 3 đảng viên, đồng chí Giàng A Lử làm bí thư. Tháng 01/2000 thành lập Đảng bộ xã. Từ ngày thành lập đến nay đã qua 12 kỳ đại hội chi bộ và 3 kỳ đại hội Đảng bộ. Đến nay Đảng bộ có 12 chi bộ, 129 đảng viên.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), ở hậu phương cán bộ và nhân dân xã Xím Vàng nêu cao tinh thần vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; các bà mẹ, các chị nêu cao tinh thần "Phụ nữ 3 đảm đang", các cháu thiếu nhi "Làm nghìn việc tốt", lực lượng dân quân ngày đêm luyện tập vững tay cày tay súng, đóng góp công sức phục vụ chiến đấu. Nhân dân và dân quân xã Xím Vàng đã tham gia trực chiến, phục vụ chiến đấu, đóng góp lương thực, thực phẩm, đào giao thông hào, đào đắp trận địa phòng không, giải toả hàng hoá quân sự.
Các tập thể và cá nhân trong xã được Nhà nước tặng thưởng: 7 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 5 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 8 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 6 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 7 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Được tặng thưởng 26 bằng khen của tỉnh, trong đó 15 tập thể, 11 cá nhân; 40 giấy khen của huyện, trong đó 15 tập thể, 25 cá nhân.
[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.
[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La
- Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .