I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ
1. Tự nhiên
Làng Chếu là xã vùng cao, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía bắc huyện Bắc Yên, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 780-900 m. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21017’05” độ vĩ bắc, đến 1040 22' 10'' độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông, phía đông bắc giáp xã Tà Xùa; phía tây, phía tây nam, phía bắc, phía tây bắc giáp xã Xím Vàng; phía nam giáp xã Chim Vàn và xã Phiêng Ban; phía đông nam giáp xã Phiêng Ban; giáp xã Chim Vàn. Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân xã đi theo tỉnh lộ 112 dài 22 km.
Tổng diện tích tự nhiên 5.550 ha, trong đó đất nông nghiệp 3.872,49 ha (đất SX nông nghiệp 1.283 ha, đất lâm nghiệp 2.589,49 ha và một số loại đất khác), Đất phi nông nghiệp 96,93 ha (đất ở 17,40 ha, đất chuyên dùng 65,73 ha và một số loại đất khác 13,8 ha), đất chưa sử dụng 1.580,58 ha. Nhiệt độ trung bình hàng năm 150C. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7, 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng 11, 12, 1, 2, 3. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6. Thường mưa nhiều vào các tháng 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.500 mm.
Suối Xím Vàng từ Sồng Chống đến Chim Vàn, dài 20 km, phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt cho 6 bản Cáo B, Háng A, Háng B, Háng C, Chếu A, Chếu B. Xã có hồ Păng Khúa diện tích 0,5 ha, là nguồn nước tự nhiên cho sản xuất và đời sống ở các bản Háng A, Cáo A, Suối Lộng, Păng Khúa, Háng C. Nguồn nước tự nhiên phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân ở cả 9 bản: Háng A, Háng B, Háng C, Cáo A, Cáo B, Păng Khúa, Suối Lộng, Chếu A, Chếu B. Rừng nguyên sinh hiện nay không còn. Diện tích rừng tái sinh 1.986 ha, diện tích rừng trồng 603,49 ha, độ che phủ của rừng 46,% / tổng diện tích tự nhiên.
2. Dân cư
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Làng Chếu như sau:
TT |
Dân tộc |
Nam |
Nữ |
Tổng cộng |
1 |
Kinh |
19 |
10 |
29 |
2 |
Tày |
|
1 |
1 |
3 |
Thái |
6 |
5 |
11 |
4 |
Mường |
2 |
|
2 |
5 |
Mông |
1 300 |
1 329 |
2 629 |
6 |
Pà Thẻn |
1 |
|
1 |
Tổng cộng |
1 328 |
1 345 |
2 673 |
Đến 31/12/2015 xã Làng Chếu có 9 đơn vị dân cư, 568 hộ, 3.097 nhân khẩu (nam 1.514 người, nữ 1.583 người)[1]:
TT |
Tên bản |
Số hộ |
Số nhân khẩu |
Cách trung tâm xã (km) |
1 |
Bản Cáo A |
66 |
403 |
5 |
2 |
Bản Háng A |
65 |
346 |
1 |
3 |
Bản Háng B |
54 |
292 |
1 |
4 |
Bản Háng C |
45 |
278 |
0,6 |
5 |
Bản Chếu A |
65 |
331 |
5 |
6 |
Bản Chếu B |
74 |
388 |
6 |
7 |
Bản Cáo B |
70 |
382 |
2 |
8 |
Bản Suối Lộng |
51 |
273 |
5 |
9 |
Bản Păng Khúa |
78 |
404 |
8 |
Tổng số |
568 |
3.097 |
|
II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI
1. Kinh tế
Nguồn thu nhập chủ yếu của xã từ táo sơn tra, ngô, dong riềng. Với diện tích: táo sơn trà 302,78 ha, lúa nương 470 ha, lúa ruộng 250 ha, ngô 291 ha, dong giềng 71 ha, sắn 15 ha, rau, đậu 14 ha. Những vật nuôi chính có lợn, dê, trâu, bò, gà, ngựa... Tổng đàn gia súc toàn xã khoảng 10.170 con.
Xã có các công trình thủy lợi bản Cáo A, công trình thuỷ lợi bản Păng Khúa. Đường tỉnh lộ 112 qua xã đi từ thị trấn, tới xã Làng Chếu có chiều dài 22 km. Đường liên xã có Tà Xùa - Làng Chếu 8 km, Làng Chếu - Xím Vàng - Hang Chú 34 km. Bưu điện văn hóa xã đặt tại Bản Háng C. 9/9 bản chưa có đường dây điện thoại cố định.
Trong những năm qua, xã được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn của các dự án, chương trình 30a, 327, 135, và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ như: điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kinh tế... trên địa bàn xã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã là 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối 2015 còn 59,1%.
2. Văn hóa
Xã có nhà văn hoá, 9/9 bản có nhà văn hóa. Mỗi bản có một đội văn nghệ, các đội thường xuyên luyện tập, mỗi năm xã tổ chức giao lưu văn nghệ 1 lần tại trung tâm xã, và tổ chức giao lưu biểu diễn nhân dịp các ngày lễ lớn, dịp tết Mông. Thầy cúng có tiếng ở xã là ông Thào A Chinh bản Suối Lộng.
3. Giáo dục
Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 11 lớp mẫu giáo với 256 học sinh 18 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường tiểu học, 25 lớp 440 học sinh, 33 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 7 lớp 253 học sinh, 18 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 11 phòng học mẫu giáo, 25 phòng học tiểu học, 7 phòng học THCS.
4. Y tế, Thể thao
Trên địa bàn xã có 1 phòng khám đa khoa khu vực 20 giường bệnh, 1 y sỹ, 02 điều dưỡng viên, 01 dược sỹ. Trạm y tế xã có 01 nhà làm việc cấp 4 với 3 phòng, 05 giường bệnh, 6 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 7 nhân viên y tế bản. Có cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại nhà ông Hạng A Cheo, Bản Háng C.
Xã có 06 sân bóng chuyền nhưng chưa đảm bảo kỹ thuật. Có những môn thể thao dân gian như đánh quay, bắn nỏ, ném pao, kéo co; những môn thể thao mới như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Các bản trong xã đều thành lập đội bóng đá, bóng chuyền nam, tuy nhiên do địa hình đất dốc, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, nên phong trào thể dục thể thao trong xã chưa hoạt động thường xuyên. Hàng năm, xã chỉ tổ chức giao hữu cho các đội vào dịp tết cổ truyền và các ngày lễ lớn của dân tộc.
III. LỊCH SỬ
Xã Làng Chếu được thành lập tháng 9/1953 thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Từ 5/1955 đến 10/1962, thuộc châu Phù Yên, Khu tự trị Thái – Mèo. Từ 10/1962 đến 8/1964, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 8/1964 đến 12/1975, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 1/1976 đến nay, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Năm 1962 thành lập chi bộ xã Làng Chếu theo quyết định số 54-QĐ/HU ngày 15/3/1962 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Phù Yên, có 4 đảng viên, đồng chí Hạng A Dỏ làm bí thư chi bộ. Năm 1997 thành lập Đảng bộ xã Làng Chếu. Từ khi thành lập đến nay đã qua 9 kỳ Đại hội Chi bộ và 7 kỳ Đại hội Đảng bộ xã. Hiện nay có 14 chi bộ, 102 đảng viên.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954-1975), nhân dân xã Làng Chếu đã bắt tay vào khôi phục kinh tế, tham gia các phong trào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thực hiện Nghị quyết 38 của Hội đồng Chính phủ về mở cuộc vận động định canh, định cư, kết hợp với xây dựng hợp tác xã, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, cùng với xã Tà Xùa, xã Làng Chếu được chọn thực hiện thí điểm. Trong việc thực hiện chính sách lương thực đối với Nhà nước xã Làng Chếu vượt từ 3 đến 10%, được tỉnh tặng bằng khen năm 1965.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân xã Làng Chếu đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị của cơ sở, đạt được những thành tựu quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của huyện nhà.
Là người xã Làng Chếu có:
- Ông Lù A Tồng, sinh năm 1930, dân tộc Mông: Nguyên Chủ tịch UBND huyện (Từ 1972 - 1981)
- Ông Thào A Giàng, sinh năm 1950, dân tộc Mông: Nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện (1988 - 1996).
- Ông Sùng A Giao, sinh năm 1969, dân tộc Mông: Nguyên Chủ tịch UBND huyện (từ 8.2007 đến 12.2015).
Các tập thể và cá nhân trong xã được Nhà nước tặng thưởng: 05 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 06 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 06 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 08 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, 02 bằng khen của Chính phủ, 21 bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, 02 cờ dẫn đầu các xã vùng cao của UBND tỉnh Sơn La.
[1] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La
- Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .