I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ
1. Tự nhiên
Xã Chim Vàn thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía tây bắc huyện Bắc Yên, độ cao trung bình so với mặt nước biển 500 m. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21015'47" độ vĩ bắc đến 104017'48" độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông giáp xã Phiêng Ban; phía đông nam giáp xã Song Pe và xã Phiêng Ban; phía đông bắc giáp xã Làng Chếu và xã Xím Vàng; phía tây giáp xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn); phía tây bắc giáp xã Hang Chú và xã Pắc Ngà; phía nam giáp xã Tạ Khoa và xã Mường Khoa; phía tây nam giáp xã Mường Khoa; phía bắc giáp xã Xím Vàng và xã Hang Chú. Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân xã đi theo tỉnh lộ Cao Đa - Tà Hộc 27 km.
Tổng diện tích tự nhiên 7.235,18 ha, trong đó đất nông nghiệp 4.919,46 ha (đất SX nông nghiệp 2.432,88 ha, đất lâm nghiệp 2.481,58 ha và một số loại đất khác 5 ha), đất phi nông nghiệp 521,81 ha (đất chuyên dùng 443,56 ha, đất ở 39.91ha và một số loại đất khác 38,34 ha), đất chưa sử dụng 1.793,91 ha. Xã có tiềm năng về đất đai, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều, tuy nhiên diện tích đất đang sử dụng ngày càng bạc màu, diện tích chưa sử dụng chủ yếu là núi đá. Diện tích đất nông nghiệp chỉ khai thác được 1 vụ/năm, còn lại do không chủ động được nguồn nước nên chưa khai thác được 2 vụ/năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm 250C. Thường nóng nhiều vào các tháng 4, 5, 6, 7, 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng 10, 11, 12, 01. Thường nắng nhiều vào các tháng 3 đến tháng 8. Thường mưa nhiều vào các tháng 4 đến tháng 9. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1300 - 1400 mm.
Sông Đà chảy qua địa bàn xã 23 km, là tuyến đường thủy quan trọng của xã đồng thời cũng là nơi đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở bản Vàn và bản Cải B. Suối Chim chảy từ xã Hang Chú đến xã Chim Vàn 10 km, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu ruộng nước của 2 bản Chim Thượng, Nà Phán. Suối Vàn chảy từ xã Xím Vàng đến xã Chim Vàn 9 km, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu ruộng nước của 3 bản Chim Hạ, Suối Tù, bản Vàn. Suối Cải chảy từ xã Làng Chếu đến xã Chim Vàn 8 km, là nguồn nước sinh hoạt và và tưới tiêu ruộng nước cho 2 bản Cải A và Cải B.
Tuy nhiên, thiên tai, hỏa hoạn luôn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào các dân tộc trong xã như năm 1967 ở bản Chim Hạ cháy 145 nhà dân, năm 1985 ở bản Vàn cháy 27 nhà dân, năm 1991 ở bản Chim Thượng cháy 96 nhà dân. Năm 1971 xảy ra trận lũ lụt, nước sông dâng cao làm ngập bản Vàn và gây sạt lở, năm 1978 lũ suối Vàn gây chết người. Năm 2008, xảy ra cơn bão số 6 vào chiều và đêm ngày 25, 26/9/2008 làm bị thương 03 người, làm hư hỏng nặng trường học và hàng chục nhà dân. Năm 2009 sét đánh gây chết người tại bản Cải B. Xã có núi Đăm Đón ở bản Chim Thượng cao 1.932 m, có hang Trạ ở bản Chim Thượng với chiều rộng 20 m, sâu 50 m, cao khoảng 12 đến 14 m. Xã còn diện tích rừng nguyên sinh 2.367,58 ha và diện tích rừng tái sinh 109 ha, 5ha rừng trồng. Độ che phủ của rừng 35,5% tổng diện tích tự nhiên. Đặc biệt có đàn khỉ khoảng 500 con.
2. Dân cư
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Chim Vàn như sau:
TT |
Dân tộc |
Nam |
Nữ |
Tổng cộng |
1 |
Kinh |
35 |
16 |
51 |
2 |
Tày |
1 |
|
1 |
3 |
Thái |
1 459 |
1 491 |
2 950 |
4 |
Mường |
528 |
515 |
1 043 |
5 |
Mông |
368 |
346 |
714 |
6 |
Dao |
|
1 |
1 |
Tổng cộng |
2 391 |
2 369 |
4 760 |
Đến 31/12/2015 xã Chim Vàn có 10 đơn vị dân cư, 1.097 hộ, 5.267 nhân khẩu (nam 2.638 người, nữ 2.629 người)[1]:
TT |
Tên bản |
Số hộ |
Số nhân khẩu |
Cách trung tâm xã (km) |
1 |
Bản Lềnh Tiến |
14 |
78 |
14 |
2 |
Bản Nà phán |
98 |
457 |
10 |
3 |
Chim Thượng |
173 |
870 |
7 |
4 |
Bản Chim Hạ |
181 |
893 |
2 |
5 |
Bản Suối Tự |
138 |
657 |
4 |
6 |
Bản Vàn |
179 |
798 |
2,5 |
7 |
Bản Suối Lẹ |
94 |
510 |
10,5 |
8 |
Bản Cải A |
81 |
330 |
11 |
9 |
Bản Suối đay |
31 |
185 |
16 |
10 |
Bản Cải B |
108 |
489 |
7,5 |
Tổng số |
1.097 |
5.267 |
|
II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI
1. Kinh tế
Các loại cây trồng chính là ngô 981,9 ha, sắn 500 ha, lúa 149,25 ha. Những vật nuôi chính có trâu 1.349 con, bò 1.376 con, ngựa 103 con, dê 1.289 con, lợn 2.500 con, gia cầm 12.350 con. Khai thác thủy sản chủ yếu là khai thác tự nhiên vùng dọc sông Đà, sản lượng hàng năm khoảng 10 tấn.
Trên địa bàn xã có 17 công trình thuỷ lợi gồm Nà Trạ ở bản Chim Thượng, Nà Đứa ở bản Chim Thượng, Lái Hốc ở bản Chim Thượng, Nà Phai ở bản Cải A, Nà Mặc ở bản Cải A, Suối Diêm ở bản Cải A, Vàng Dong ở bản Nà Phán, Lái Hốc ở bản Nà Phán, Suối Tống ở bản Cải B, Suối Lẹ ở bản Suối Lẹ, Nà Nưa ở Chim Hạ, Khì Quai ở Chim Hạ, Nà Mì ở Chim Hạ, Nà Cài ở Chim Hạ, Nà Khâng ở Chim Hạ, Tàng Tèo ở Suối Tù, Nà Lạnh ở Suối Tù.
Đồng bào các dân tộc vẫn giữ được các nghề thủ công truyền thống như đan thủ công các vật dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, thêu khăn piêu, dệt thổ cẩm... Đường liên xã có 23 km. Phương tiện vận chuyển đi lại tại xã chủ yếu bằng thuyền, xe máy, ô tô. Đến nay xã chưa có Bưu điện văn hóa xã. 10/10 bản chưa có đường dây điện thoại cố định. Xã có chợ sông tại bản Vàn, một tháng họp 3 phiên, mỗi phiên cách nhau 10 ngày, hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân.
Trong những năm qua, xã được đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế bằng nhiều nguồn vốn của các dự án, chương trình 30a, 327, 135, và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ như: điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Kinh tế trên địa bàn xã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được ổn định. Bình quân thu nhập đầu người của xã 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 là 45,8%.
2. Văn hóa
Đồng bào các dân tộc xã Chim Vàn còn giữ được những trò chơi dân gian như ném còn, ném pao, chơi cù quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy. Những lễ hội dân gian như sên hươn của dân tộc Thái, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Những câu ca dao, tục ngữ, phương ngôn, còn được lưu truyền trong xã như hát ví của dân tộc Mường, khắp của dân tộc Thái...
Xã có 10 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập chủ yếu là hát, múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, thường biểu diễn chào mừng các ngày hội, ngày lễ trong năm. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh.
Hiện nay xã còn những thầy cúng có tiếng như ông Lò Văn Dâm - bản Chim Thượng, ông Hoàng Văn Khâu - Bản Cải B.
3. Giáo dục
Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 11 lớp mẫu giáo với 272 học sinh 17 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 01 trường tiểu học, 37 lớp 628 học sinh, 44 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 8 lớp 300 học sinh, 19 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 11 phòng học mẫu giáo, 37 phòng học tiểu học, 8 phòng học THCS.
4. Y tế, Thể thao
Trạm y tế công lập của xã tại bản Vàn, được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2011, có 01 nhà làm việc cấp 4 với 6 phòng, 05 giường bệnh, 6 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 10 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 2.051 lượt bệnh nhân.
Những môn thể thao mới như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông phát triển. Phong trào thể dục, thể thao ở xã đã được duy trì, luyện tập và thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các bản. Tuy nhiên chưa tạo thành phong trào sâu rộng do cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập còn thiếu thốn.
III. LỊCH SỬ
Xã Chim Vàn được thành lập tháng 9/1953 thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Từ 5/1955 đến 10/1962, thuộc châu Phù Yên, Khu tự trị Thái – Mèo. Từ 10/1962 đến 8/1964, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 8/1964 đến 12/1975, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 1/1976 đến nay, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Năm 2005 nhập khu dân cư bản Lềnh Tiến vào xã.
Chi bộ xã Chim Vàn được thành lập tháng 12/1960, với 5 đảng viên. Đồng chí Giàng A Vữ làm bí thư chi bộ. Đảng bộ xã Chim Vàn được thành lập ngày 9/10/1973, với 45 đảng viên, bí thư Đảng bộ là đồng chí Lường Văn Héo. Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ xã Chim Vàn đã diễn ra 17 kỳ Đại hội. Hiện nay Đảng bộ có 15 chi bộ, 221 đảng viên.
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Chim Vàn đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị của cơ sở, đạt được những thành tựu quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của huyện nhà.
Xã có Mẹ Việt Nam Anh hùng Lò Thị Kho; có ông Mùi Xuân Thường, sinh năm 1946, dân tộc Mường làm Phó bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Yên từ năm 1988 – 2003.
Xã có 22 liệt sỹ và 12 thương binh.
Các tập thể và cá nhân trong xã được Nhà nước tặng thưởng: 12 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 37 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 42 Huân chương Kháng chiến hạng Ba. 12 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. 05 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, 38 tập thể và cá nhân được tặng bằng khen.
[1] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La
- Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .