Đường dây nóng:
XÃ MƯỜNG KHOA
Cập nhật lúc: 03-12-2024 12:17 Lượt xem:

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Xã Mường Khoa thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía tây huyện Bắc Yên, độ cao trung bình từ 120-700m so với mặt nước biển. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21011'24" độ vĩ bắc đến 104017'23" độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông giáp xã Tạ Khoa, phía tây và tây bắc giáp xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn); phía nam và tây nam giáp xã Hua Nhàn; phía bắc và đông bắc giáp xã Chim Vàn. Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân xã đi theo quốc lộ 37 dài 25 km.

Tổng diện tích tự nhiên 5.964,08 ha; trong đó đất nông nghiệp 3.972,25 ha (đất SX nông nghiệp 1.470,69 ha, đất lâm nghiệp 2.491,60 ha và một số loại đất khác 9,36 ha), đất phi nông nghiệp 517,40 ha (đất ở 37,37 ha, đất chuyên dùng 419,37 ha và một số loại đất khác 60,66 ha), đất chưa sử dụng 1.474,43 ha[1]. Đất đai phù hợp với sản xuất nông - lâm nghiệp, như trồng cây lương thực (lúa, ngô, sắn), rừng nguyên liệu (tre, bương, nứa, luồng, cây tếch, cây bạch đàn, cây thông...), trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật.

Nhiệt độ trung bình hàng năm 18 - 220C. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7, 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng 11, 12 đến tháng 3 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.400 - 1.600 mm.

Sông Đà chảy qua địa phận xã 6 km. Suối Khoa, suối Phá, suối Muồng, suối Pót, bắt nguồn từ xã Hua Nhàn chảy qua các bản của xã Mường Khoa rồi nhập vào sông Đà. Suối Khoa là nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong xã. Những thiên tai đã xảy ra tại xã như bão lũ năm 1975, gây thiệt hại 50% diện tích nông nghiệp. Cơn bão số 6, lũ ống, sạt lở đất ngày 25 và 26/9/2008; làm chết 03 người, bị thương 02 người, bị trôi 37 nhà và 129 nhà bị hỏng nặng, quốc lộ 37 từ xã Mường Khoa đi huyện Mai Sơn bị sạt lở từ km 423 đến km 464. Tổng khối lượng sụt lở đất đá nền đường khoảng 600.000 m3, đường giao thông liên bản, liên xã bị hỏng nặng. Rét đậm rét hại kéo dài năm 2008 làm chết 15 con trâu, bò...

Xã có núi Pom Pu Lón (bản Khoa) cao 990 m, núi Pom Pu Hé (bản Phúc) cao 930 m, núi Pom Khám Pỏm (bản Chen) cao 1.100 m, núi Pom Đông Bau (bản Pót) cao 1.080 m; có đèo bản Chạng dài 5 km, đèo Chẹn dài 9 km. Xã có Mỏ Đồng - Niken ở bản Pót, bản Phúc và bản Khoa (diện tích khoảng trên 250 ha) có trữ lượng khá lớn 984.000 tấn quặng với hàm lượng Ni 3,55%, Cu 1,3%.

Xã không còn rừng nguyên sinh, diện tích rừng tái sinh 2.427,6 ha, diện tích rừng trồng 64 ha, độ che phủ của rừng 55% tổng diện tích tự nhiên. Có những loài thực vật như mộc nhĩ, nấm hương và một số loại cây dược liệu. Có những loài động vật như lợn lòi, hoẵng, cáo, cầy hương, cầy bay, ron, kỳ đà, sóc, chồn, chim...

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Mường Khoa như sau:

 

Thứ tự

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

1

Kinh

 111

 109

 220

2

Thái

1 691

1 794

3 485

3

Mường

 106

 135

 241

4

Nùng 

 1

 

 1

5

Mông

 214

 217

 431

6

Dao

 4

 2

 6

7

Sán Dìu

 

 1

 1

8

Khơ Mú

 10

 10

 20

9

La Chí

 1

 

 1

Tổng cộng

2 138

2 268

4 406

 

 

Đến 31/12/2015 xã Mường Khoa có 10 đơn vị dân cư, 1.084 hộ, 4.768 nhân khẩu (nam 2.346 người, nữ 2.422 người)[2]:

 

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

Cách trung

 tâm xã (km)

1

Bản Khọc A 

44

215

8

2

Bản  Khằng 

42

202

12

3

Bản Khọc B

32

184

7

4

Bản Pá Nó 

63

344

7

5

Bản Phố 

65

202

4

6

Bản Khoa

192

849

1

7

Bản Chẹn

246

1165

5

8

Bản Phúc  

230

863

Trung tâm xã

9

Bản Trạng

95

414

6

10

Bản Pót

75

330

3

 

Tổng số

1.084

4.768

 

 

 

KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Kinh tế

Xã có diện tích lúa nước 50,72 ha, ngô 1.069 ha, sắn 375,5 ha. Những vật nuôi chính có trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng. Khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi trồng thủy sản cá ao và thủy sản hồ sông Đà, sản lượng khoảng 15 tấn/năm. Sản phẩm lâm nghiệp có gỗ, tre, bương. Trên địa bàn xã có 3 công trình thủy lợi được xây dựng kiên cố ở bản Chẹn, bản Phúc, bản Khoa. Có Công ty trách nhiệm hữu hạn mỏ Niken ở Bản Phúc khai thác mỏ Đồng - Ni ken trên địa bàn xã..

Xã có quốc lộ 37 đi qua. Đường liên xã có đường Mường Khoa - Tạ Khoa dài 12 km, đường Mường Khoa - Tà Hộc, Mai Sơn dài 10 km. Bưu điện văn hóa xã đặt tại trung tâm, 8/10 bản chưa có đường dây điện thoại cố định.

Chợ phiên sông Đà đặt tại bản Khoa mỗi tháng họp chợ 03 lần mua bán các loại hàng hoá nông sản, cung ứng giống, phân đạm, bán hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, sửa chữa xe máy, may mặc...

Trong những năm qua, xã đã bước đầu phát triển kinh tế hàng hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế bằng nhiều nguồn vốn của các dự án: dự án 747, 1382, 1460, chương trình 327, 219, 135, chương trình 30a và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ như điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kinh tế trên địa bàn xã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991-1995 là 4,2%/năm, giai đoạn 1996-2000 là 5,2%/năm, giai đoạn 2001-2005 là 7,8%/năm, giai đoạn 2006-2010 là 10,5%/năm, giai đoạn 2011 - 2014 là 13,5%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã 9 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 21,9%.

2. Văn hóa

Xã có Nhà văn hoá trung tâm, 10/10 bản có nhà văn hóa. Đồng bào các dân tộc còn lưu giữ những trò chơi dân gian phổ biến như ném còn, đánh chống, đánh chiêng, múa xòe. Những lễ hội dân gian được tổ chức ở xã có lễ ăn cơm mới, lễ ăn mừng nhà mới của người Thái, người Mông.

Những truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian lưu truyền ở xã: Xống trụ xôn xao của dân tộc Thái. Đặc biệt người già thường răn dạy con cháu phải giữ gìn 3 điều: Bàn tay không được trộm cắp tài sản người khác hoặc làm những việc trái quy định; không được quan hệ bất chính với người khác; không nói xấu hoặc chửi người khác mới thành người.

Toàn xã có 10 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, trong đó bản Phúc 02 đội, bản Khoa 02 đội, bản Chẹn 02 đội, bản Pót 01 đội, bản Khằng 01 đội, bản Phố 01 đội, bản Chạng 01đội.

Xã còn 2 thầy cúng có tiếng: ông Quàng Văn On ở bản Chẹn và ông Lừ Văn Khéo ở bản Khoa.

3. Giáo dục

Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 13 lớp mẫu giáo với 296 học sinh, 24 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường tiểu học, 28 lớp  469 học sinh, 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên .01 trường trung học cơ sở có 8 lớp 263 học sinh, 24 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 13 phòng học mẫu giáo, 28 phòng học tiểu học, 8 phòng học THCS.

4. Y tế, Thể thao

Trạm y tế xã có 01 nhà làm việc cấp 4 với 6 phòng, 05 giường bệnh, 4 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 11 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 1.412 lượt bệnh nhân. Đồng bào còn lưu truyền những bài thuốc hay chữa rắn cắn bằng lá bồ cu vẽ; chữa đau dây thần kinh: long nhãn, lá dâu, dậu ván trắng, củ mài, hạt sen; chữa phong thấp (sưng chân): cây phong thấp, đơn gối hạc, mộc thông; chữa bại liệt: phụ tử, bạch phụ tử, tằm gió, con bọ cạp; chữa thấp khớp: cây trâu cổ, cỏ xước, thổ phục linh, cây tầm xuân, dây rung rúc, thiên niên kiện, rễ gấc, dây đau xương, cành cây dâu; chữa kiết lỵ: lá trâu cổ, lá mơ lông, lá lốt, nụ sen, hạt cau, thường sơn, hạt dành dành; chữa u tiền liệt: cao ban long, bông má đề, nhục quế, cỏ tranh; chữa phổi yếu: bạch linh, đẳng sâm, bạch truột, cam thảo; chữa viên gan: đan sâm, cỏ nọc sởi, hoàng bá, mộc thông, chi tử, chỉ xác, đại hoàng; chữa hen: ma hoàng, hồ tiêu sọ, nhục quế, cam khương, đinh hương; chữa viêm loét dạ dày: ngũ vị cam, bồ cu vẽ, cây me dây; chữa đau bụng, ỉa chảy: lá bồ cu vẽ, lá dấu...

Xã có 1 sân bóng đá. Một số môn thể thao dân gian còn được phổ biến như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co. Những môn thể thao mới như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông được người trẻ ưa thích, thường xuyên luyện tập và thi đấu trong các dịp lễ tết.

III. LỊCH SỬ

Xã Mường Khoa được thành lập ngày 16/1/1979 theo Quyết định số 18-CP của Hội đồng Chính phủ, trên cơ sở chia xã Tạ Khoa thuộc huyện Yên Châu thành 2 xã là Mường Khoa và Tạ Khoa. Xã Mường Khoa có 12 bản: Phố, Khoa, Phúc, Pót, Chẹn, Khọc, Mòn, Cáy Khẻ, Kéo Bó, Suối Chẹn, Suối Thón, Sồng Pét. Quyết định số 105-CP ngày 13/3/1979 của Hội đồng Chính phủ: sáp nhập 4 xã của huyện Yên Châu là Tạ Khoa, Mường Khoa, Phiêng Côn, Chiềng Sại vào huyện Bắc Yên.

Vào những năm 1980, đồng bào Mông ở các xã vùng cao tiếp tục di cư đến sinh sống, hình thành nên bản Noong Lạnh và bản Pa Nó, sau đó một số hộ của bản Pa Nó chuyển xuống ở đầu suối Khọc, hình thành nên bản Khọc B. Bản Suối Thón tách thành 2 bản là Thón A và Thón B. Bản Cáy Khẻ chia thành 2 bản là bản Khẻ A và Khẻ B. Đến năm 1993 thực hiện việc cắm mốc địa giới hành chính theo Nghị định 364-CP của Chính phủ, chuyển bản Trạng từ xã Tạ Khoa, bản Khằng từ xã Tà Hộc huyện Mai Sơn về thuộc xã Mường Khoa. Lúc đó Mường Khoa có 19 bản. Ngày 17/4/2008 theo Nghị định số 47/2008/NĐ-CP của Chính phủ, chuyển các bản Kéo Bó, bản Mòn, bản Khẻ A, Khẻ B, bản Thón A, Thón B, bản Nong Lạnh, bản Sồng Pét cùng một số bản của xã Tạ Khoa để thành lập xã Hua Nhàn. Hiện nay, xã Mường Khoa còn lại 10 bản.

Ngày 16/01/1979 thành lập Đảng bộ xã Mường Khoa. Tháng 3/1980, trên cơ sở kế thừa nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ xã Tạ Khoa, Đảng bộ xã Mường Khoa tổ chức Đại hội. Từ đó đến nay xã đã tổ chức thành công 7 kỳ Đại hội Đảng bộ xã. Hiện nay Đảng bộ có 16 chi bộ trực thuộc, 287 đảng viên.

Xã Mường Khoa có  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Ún. Có ông Lừ Văn Xiềng, sinh 1945 dân tộc Thái ở bản Chạng, Mường Khoa, Đại tá, Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La từ năm 1986-2000. Có 28 liệt sỹ và 06 thương binh.

Năm 1998 Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho xã danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Toàn xã có 35 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 43 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 55 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 30 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 25 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, có 136 tập thể, cá nhân được Uỷ ban nhân dân tỉnh và của các cơ quan Trung ương tặng bằng khen.

 


[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.

[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

               - Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên

 

  • Video
  • Hình Ảnh
Không có video - Upload lại link