Đường dây nóng:
XÃ SONG PE
Cập nhật lúc: 07-11-2024 12:43 Lượt xem:

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Song Pe là xã miền núi, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía tây huyện Bắc Yên, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 113-800m. Tọa độ địa lý từ 21010’9’’độ vĩ bắc đến 104025’56’’ độ kinh đông. Tứ cận: Phía bắc và tây bắc giáp ranh với xã Chim Vàn; phía đông bắc giáp với thị trấn Bắc Yên; phía tây giáp với xã Tạ Khoa; phía nam và tây nam xã Chiềng Sại; phía bắc và đông bắc xã Phiêng Ban; phía đông xã Hồng Ngài. Từ Uỷ ban nhân dân xã đến trung tâm huyện 10 km, theo quốc lộ 37.

Tổng diện tích tự nhiên 8.326,97ha, trong đó đất nông lâm nghiệp 4.629,77ha (đất SX nông nghiệp 2.424,66 ha, đất lâm nghiệp 2.204,31ha và một số loại đất khác 0,8 ha), đất phi nông nghiệp 784,92 ha (đất ở 35,04 ha, đất chuyên dùng 712,29 ha và một số loại đất khác 37,23 ha), đất chưa sử dụng 2.912,28 ha[1]. Xã thuộc vùng đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, ít bãi bằng, sản xuất nông nghiệp khó khăn. Đất có 3 loại chính: đất sói mòn ở vùng cao, đất phù sa ở ven sông Đà, đất bạc màu ở vùng núi trọc.

Nhiệt độ trung bình hàng năm 200C. Nóng từ tháng 4 đến tháng 8. Lạnh từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Nắng từ tháng 3 đến tháng 8. Mưa từ tháng 6 đến tháng 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.400 - 1.700 mm.

Xã có suối Pe dài 7 km, bắt nguồn từ xã Làng Chếu, chảy qua bản Cao Đa 2 và bản Pe ra sông Đà; suối Chanh dài 5 km, bắt nguồn từ xã Hồng Ngài, chảy qua bản Chanh ra sông Đà; suối Mong dài 7 km, bắt nguồn từ xã Hồng Ngài, chảy qua bản Mong ra sông Đà; suối Nguồn dài 5 km, bắt nguồn từ xã Hồng Ngài, chảy qua bản Nguồn ra sông Đà. Sông Đà chảy qua 5 bản trong xã với chiều dài 40 km và 4 con suối trên là nguồn nước tưới tiêu chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường thủy và nước sinh hoạt của dân cư trong xã. Về thiên tai, cơn bão số 6 (tháng 9/2008) làm 1 người bị thương, 17 nhà dân bị hư hỏng nặng; năm 2009 sạt lở đất ở bản Chanh làm 2 hộ dân bị thiệt hại nặng; năm 2010, lũ ống, lũ quét cuốn trôi nhiều nhà cửa và tài sản của dân ở bản Pe, bản Chanh, bản Nguồn, bản Mong.

Xã có 5 hang động lớn, mỗi hang có sức chứa từ 100 đến 200 người, hang Mó Tôm, hang Dơi, hang Lạnh, hang Mong, hang Cỏ Thái. Diện tích rừng nguyên sinh 1.151,06 ha, rừng trồng 173,2 ha, độ che phủ của rừng 25% diện tích tự nhiên.

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Song Pe như sau:

Thứ tự

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

1

Kinh

53

43

96

2

Tày

1

 

1

3

Thái

32

67

99

4

Mường

1 653

1 661

3 314

5

Mông

243

258

501

6

Dao

295

297

592

Tổng cộng

2 277

2 326

4 603

 

 

Đến 31/12/2015 xã Song Pe có 10 đơn vị dân cư, 1.038 hộ, 4.911 nhân khẩu (nam 2.437 người, nữ 2.474 người)[2]:

 

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

Cách trung

tâm xã (km)

1

Bản Suối Song 

92

405

7

2

Bản Suôí Quốc

35

198

8

3

Bản Bản Pe

286

1280

Trung tâm xã

4

Bản Mới A

15

86

15

5

Bản Suối Chanh 

39

234

7

6

Bản Liếm Xiên

58

254

10

7

Bản Chanh  

125

619

5

8

Bản Nguồn

108

492

10

9

Bản Mong

181

842

20

10

Bản Ngậm 

99

501

25

Tổng số

1.038

4.911

 

 

 

II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Kinh tế

Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với diện tích cây trồng chính 2.424,66 ha, chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác và nuôi trồng thủy sản (8 ha) ở 5 bản dọc theo bờ sông Đà. Xã có 2 công trình thủy lợi nhỏ ở bản Pe và bản Ngậm. Quốc lộ 37 trải nhựa, qua xã, qua huyện, nối vào quốc lộ 6 ở ngã ba Cò Nòi lên thành phố. Đường bộ và đường thủy liên xã, tuyến Song Pe - Mường Khoa - Pắc Ngà - Tạ Khoa - Chiềng Sại. Thuyền nhỏ vận chuyển hành khách và hàng hóa đến tận các bản ven sông và lòng hồ sông Đà. Hiện tại, 9/10 bản chưa có đường dây điện thoại cố định. Chợ phiên ở bản Pe họp vào các ngày 3, 13, 23 hàng tháng, chợ bản Mong họp vào các ngày 5, 15, 25, mua bán các hàng tiêu dùng thiết yếu; tại khu vực trung tâm xã, dọc quốc lộ 37 có một số cửa hàng tạp hóa.

Trong những năm qua, xã đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế bằng nhiều nguồn vốn của các dự án, các chương trình 327, 135, và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ... như điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, kinh tế trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 là 37,65%.

2. Văn hóa

Xã có cảnh đẹp hang Rơi, hang Lạnh, thác nước ở bản Pe, hang Mong, hang Cỏ Thái ở bản Mong và phong cảnh dọc sông Đà. Nhà văn hóa mới được xây dựng ở trung tâm xã, 9/10 bản có nhà văn hóa.

Phong tục tập quán trong việc cưới hỏi, ma chay của người Mường có nhiều tương đồng với người Kinh, nhà sàn của người Mường là kiểu kiến trúc cổ truyền. Bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn và phát huy, các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi. Đến nay đã có 10/10 bản xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của bản. 100% đơn vị trong xã triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hoá cơ sở; có 10 bản đạt bản văn hoá, 452 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

Trong các ngày lễ, tết, xã tổ chức các trò chơi dân gian: bắn nỏ, kéo co, tung còn, ném pao, đánh quay,… Hiện có 7 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn và giao lưu. Đồng bào trong xã không theo tôn giáo nào nhưng mỗi dân tộc vẫn giữ những tín ngưỡng và phong tục, tập quán truyền thống. Mỗi bản có 1 - 2 thày cúng thường được dân mời đến nhà để cầu cúng khi trong gia đình có người ốm hoặc qua đời,…

3. Giáo dục

Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 12 lớp mẫu giáo với 259 học sinh 27 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường tiểu học, 38 lớp  497 học sinh, 50 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.  01 trường trung học cơ sở có 7 lớp 240 học sinh, 23 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 12 phòng học mẫu giáo, 38 phòng học tiểu học, 7 phòng học THCS.

4. Y tế, Thể thao

Trạm y tế xã có 01 nhà làm việc cấp 4 với 6 phòng, 05 giường bệnh, 6 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 10 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 1.414 lượt bệnh nhân. Những môn thể thao được yêu thích hiện nay có bóng đá, bóng chuyền. Xã có 1 đội bóng đá, 1 đội bóng chuyền. Các bản đều có đội bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, thường xuyên giao lưu và tham dự các giải do huyện tổ chức.

III. LỊCH SỬ

Xã Song Pe được thành lập tháng 9/1953 thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Từ 5/1955 đến 10/1962, thuộc châu Phù Yên, Khu tự trị Thái – Mèo. Từ 10/1962 đến 8/1964, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 8/1964 đến 12/1975, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 1/1976 đến nay, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Ngày 03/4/1991, bản Suối Quốc của xã Song Pe tách một nửa để nhập vào bản Suối Đay của xã Chim Vàn và một nửa để nhập vào bản Háng (của xã Làng Chếu). Tháng 4/1995, chuyển bản Ngậm của xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên và bản Mới A của xã Hồng Ngài về xã Song Pe. Hiện nay, xã có 5 bản ở vùng thấp (Pe, Chanh, Nguồn, Mong, Ngậm) và 5 bản ở vùng cao (Liếm Xiêm, Suối Chanh, Mới A, Suối Quốc, Suối Song).

Tháng 2/1960, thành lập chi bộ Đảng xã, ông Đinh Văn Pành làm bí thư, ông Đinh Văn Ngắn làm chủ tịch Uỷ ban hành chính xã. Ngày 6/4/1967, thành lập Đảng bộ xã, gồm 5 chi bộ, 32 đảng viên. Từ năm 1960 đến 1965, chi bộ xã tổ chức các đại hội I, II, III. Từ năm 1967 đến năm 2010, Đảng bộ xã tổ chức các đại hội từ IV đến XVII.

Hiện nay Đảng bộ có 15 chi bộ trực thuộc, 254 đảng viên.

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc xã Song Pe đóng góp sức người, sức của và hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương, đất nước.

Ngày nay, nhân dân các dân tộc Song Pe thực hiện đường lối mới của Đảng, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Các tập thể và cá nhân trong xã được Nhà nước tặng thưởng: 196 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 36 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 44 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 29 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 24 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động hạng Ba, 60 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Xã có hai bà mẹ Việt Nam anh hùng: Đinh Thị The và Trường Thị Xệm; có 17 liệt sỹ và 02 thương binh.

 


[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.

[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

                - Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .

 

  • Video
  • Hình Ảnh
Không có video - Upload lại link