Đường dây nóng:
XÃ HỒNG NGÀI
Cập nhật lúc: 03-12-2024 12:13 Lượt xem:

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Xã Hồng Ngài thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía đông nam huyện Bắc Yên, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 120-900 m. Tọa độ địa lý từ 21010’01” độ vĩ bắc đến 104028’38” độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông giáp xã Sập Sa, huyện Phù Yên; phía đông nam giáp xã Đá Đỏ huyện Phù Yên; phía bắc giáp xã Phiêng Ban; phía tây giáp xã Song Pe; phía đông giáp xã Suối Bau huyện Phù Yên; phía bắc giáp thị trấn Bắc Yên. Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân xã 8 km.

Tổng diện tích tự nhiên 5.661 ha, trong đó đất nông nghiệp 3.348,28 ha (đất SX nông nghiệp 1.616,1 ha, đất lâm nghiệp 1.677,72 ha, đất nông nghiệp khác 54,46 ha), đất phi nông  nghiệp 208,84 ha (đất ở 21,3 ha, đất chuyên dùng 35,67 ha và một số loại đất khác 151,87 ha), đất chưa sử dụng 2.103,88 ha[1].

 Nhiệt độ trung bình hàng năm 18-20,70C. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7, 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng 11, 12, đến tháng 3 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.400 - 1.600 mm.

Suối Cang chảy từ bản Cang xã Phiêng Ban đi qua địa phận của xã ra suối Sập dài 5km. Suối Háo chảy từ bản Suối Háo đến bản Đung rồi nhập vào suối Sập dài 6km. Nguồn nước tự nhiên cho sản xuất và đời sống, chủ yếu lấy từ các con suối trên. Núi cao nhất là Trong Páo Năng giáp ranh giữa bản Hồng Ngài và bản Suối Háo với xã Song Pe cao 1.105 m so với mặt nước biển. Xã Hồng Ngài có nhiều đèo dốc, hang động như dốc Hồng Ngài dài 1,4 km, dốc suối Háo dài 1 km, dốc suối Chạn 3 km, dốc suối Tếnh 1 km; hang A Phủ, hang Páo Tủa. Hồng Ngài có một số mỏ kim loại quý như mỏ niken ở Suối Háo, mỏ đồng ở bản Giàng, mỏ vàng ở dọc suối Sập.

Xã không còn rừng nguyên sinh, diện tích rừng tái sinh 478,60 ha, rừng khoanh nuôi bảo vệ 1.049,12 ha, rừng trồng 150 ha. Độ che phủ của rừng 42% tổng diện tích tự nhiên. Rừng có một số loài thực vật quý hiếm như đinh hương, đinh thối, cây nghiến, cây trai, mộc nhĩ - nấm hương và một số loại cây dược liệu quý hiếm khác...

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Hồng Ngài như sau:

Thứ tự

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

1

Kinh

27

24

51

2

Tày

1

 

1

3

Thái

248

248

496

4

Mường

70

83

153

5

Hoa

1

 

1

6

Mông

1 403

1 476

2 879

7

Dao

1

 

1

8

La Ha

1

2

3

9

Lô Lô

1

 

1

Tổng cộng

1 753

1 833

3 586

 

 

Đến 31/12/2015 xã Hồng Ngài có 8 đơn vị dân cư, 730 hộ, 4.019 nhân khẩu (nam 1.928 người, nữ 2.091 người)[2]:

 

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

Cách trung

tâm xã (km)

1

Bản Mới  

61

344

3

2

Bản  Hồng Ngài

108

607

Trung tâm xã

3

Bản Đung 

92

458

8

4

Bản Giàng 

50

239

10

5

Bản Suối Háo 

143

798

7

6

Bản Suối Chạn

72

430

9

7

Bản Suối Tếnh

47

279

17

8

Bản Lung Tang 

157

864

20

Tổng số

730

4.019

 

 

 

II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Kinh tế

Đồng bào các dân tộc trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp: trồng lúa, ngô, sắn, dong riềng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng diện tích gieo trồng có 1.616,1 ha, trong đó lúa ruộng 43 ha, lúa nương 80 ha, ngô 1.266 ha, còn lại là sắn, dong riềng, đậu, đỗ và rau các loại 227,1 ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt 4.000 tấn/năm. Những vật nuôi chính như trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng. Các sản phẩm chính của xã là lúa, ngô, sắn, chuối. Sản phẩm lâm nghiệp có gỗ, tre, bương. Các công trình thủy lợi trên địa bàn xã có thủy lợi bản Hồng Ngài, thủy lợi bản Suối Háo, thủy lợi bản Đung, thủy lợi bản Giàng. Đồng bào các dân tộc ở các bản Suối Háo, Hồng Ngài vẫn duy trì nghề rèn các loại nông cụ như: dao, cuốc, xẻng.

Đường liên xã từ trung tâm xã đến huyện Phù Yên dài 20 km, từ trung tâm xã đến bản Mòn dài 8 km, phương tiện vận tải hành khách, hàng hoá chính là ô tô, xe máy. Bưu điện văn hóa xã đặt tại trung tâm, còn 8/8 bản chưa có đường dây điện thoại cố định.

Trong những năm qua, xã đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế bằng nhiều nguồn vốn của các dự án: 219, chương trình 327, 135, chương trình 30a và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ... như điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kinh tế trên địa bàn xã có sự chuyển biến tìch cực, đời sống của nhân dân được ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991-1995 là 4,5%/năm, giai đoạn 1996-2000 là 5,5%/năm, giai đoạn 2001-2005 là 6,5%/năm, giai đoạn 2006-2010 là 9,5%/năm, giai đoạn 2011 - 2014 là 7,8%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã 8,4 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2015 là 50%.

2. Văn hóa

Có di tích lịch sử, văn hóa gắn bó với đời sống người dân xã Hồng Ngài, với tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài là hang A Phủ, hang Páo Tủa. Đồng bào các dân tộc còn giữ được những trò chơi dân gian phổ biến ở xã như ném pao, bắn nỏ. Những lễ hội dân gian có lễ ăn cơm mới, ăn mừng nhà mới của người Thái, người Mông. Xã có 6 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các dịp lễ hội ở xã. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh.

 Những thầy cúng có tiếng ở xã như ông Lầu Chống Vàng ông Lầu A Chay, ông Lầu A Khay, ông Lầu A Dênh, bà Mùa Thị Chư ở bản Lung Tang; ông Thào A Sếnh, bà Thào Thị Cha ở bản Suối Tếnh; ông Lý A Giàng, ông Lý A Sồng Páo ở bản Suối Chạn; ông Sồng A Là, ông Thào A Di ở bản Suối Háo.

3. Giáo dục

Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 13 lớp mẫu giáo với 307 học sinh, 20 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 01 trường tiểu học, 31 lớp  615 học sinh, 44 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 01 trường trung học cơ sở có 8 lớp 295 học sinh, 23 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 13 phòng học mẫu giáo, 31 phòng học tiểu học, 8 phòng học THCS.

4. Y tế, Thể thao

Trạm y tế xã có 01 nhà làm việc cấp 4 với 7 phòng, 05 giường bệnh, 6 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 6 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 1.425 lượt bệnh nhân. Đồng bào các dân tộc còn lưu truyền những cây thuốc quý, những bài thuốc hay như: chữa phong thấp (sưng chân): cây phong thấp, đơn gối hạc, mộc thông; chữa thấp khớp: cây trâu cổ, cỏ xước, thổ phục linh, cây tầm xuân, dây rung rúc, thiên niên kiện, rễ gấc, dây đau xương, cành cây dâu; chữa kiết lỵ: lá trâu cổ, lá mơ lông, lá lốt, nụ sen, hạt cau, thường sơn, hạt dành dành; chữa phổi yếu: bạch linh, đẳng sâm, bạch truột, cam thảo; chữa viên gan: đan sâm, cỏ nọc sởi, hoàng bá, mộc thông, chi tử, chỉ xác, đại hoàng; chữa viêm loát dạ dày: ngũ vị cam, bồ cu vẽ, cây me dây; chữa đau bụng, ỉa chảy: lá bồ cu vẽ, lá dấu, lá dối, lá vòng, lá dưa chuột, lá vông vang, lá ổi.

Xã có 02 sân vận động (bản Hồng Ngài, bản Giàng). Những môn thể thao dân gian ở xã: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đánh quay... Những môn thể thao mới ở xã: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Hồng Ngài là xã có phong trào thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên, sôi nổi.

III. LỊCH SỬ

Xã Hồng Ngài được thành lập theo Quyết định số 18-CP ngày 16/01/1979 của Hội đồng Chính Phủ (nay là Chính Phủ), trên cơ sở chia xã Phiêng Ban thành 02 xã Hồng Ngài và Phiêng Ban. Xã Hồng Ngài gồm có các bản Hồng Ngài, Suối Háo, Suối Chạn, Suối Tếnh, Lung Tang và Bản Mới. Thực hiện Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) chuyển bản Đung của xã Phiêng Ban và bản Giàng của huyện Phù Yên về xã Hồng Ngài. Từ đó đến nay, xã Hồng Ngài có 8 bản.

Ngày 20/4/1979, thành lập chi bộ xã, có 4 đảng viên, đồng chí Giàng A Chú làm bí thư chi bộ, đồng chí Giàng A Tu làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã. Ngày 15/5/1995 thành lập Đảng bộ xã. Từ ngày thành lập đến nay xã đã tổ chức 5 kỳ Đại hội chi bộ và 4 kỳ Đại hội Đảng bộ. Hiện nay, Đảng bộ xã có 13 chi bộ trực thuộc, 199 đảng viên.

Xã có 08 liệt sỹ.

Với những thành tích trong chiến tranh giải phóng và trong sản xuất, xây dựng quê hương, tháng 5/2005 Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho xã danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhà nước đã trao tặng 15 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 13 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 25 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 20 Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, 10 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Các bộ, ngành, tỉnh đã tặng 24 bằng khen của tỉnh, 01 giấy khen của Tổng cục 8 (Bộ Công an) và 137 giấy khen của Uỷ ban nhân dân huyện

 


[1] Nguồn: Sở Tài nguyên và Mội trường Sơn La.

[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

               - Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên .

 

  • Video
  • Hình Ảnh
Không có video - Upload lại link