Đường dây nóng:
XÃ PHIÊNG CÔN
Cập nhật lúc: 03-12-2024 12:33 Lượt xem:

I. TỰ NHIÊN – DÂN CƯ

1. Tự nhiên

Xã Phiêng Côn thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ở phía nam huyện Bắc Yên, độ cao trung bình từ 150-600 m so với mặt nước biển. Tọa độ địa lý từ 21005 '07" độ vĩ bắc đến 104025'46" độ kinh đông. Tứ cận: Phía đông giáp xã Chiềng Sại; phía tây tây bắc giáp với xã Hua Nhàn; phía tây giáp với xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu; phía nam giáp với xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu; phía bắc và tây bắc giáp với xã Tạ Khoa. Từ huyện lỵ đến Uỷ ban nhân dân xã đi theo quốc lộ 37 đến xã Song Pe; đường thủy hồ sông Đà, đến xã Chiềng Sại - Phiêng Côn dài 52 km hoặc đi theo đường bộ từ thị trấn Bắc Yên (đi theo quốc lộ 37) - Bản Mòn - cửa suối Sập xã Đá Đỏ huyện Phù Yên - Chiềng Sại - xã Phiêng Côn dài 40 km.

Tổng diện tích tự nhiên 4.183,93 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.273,36 ha (đất SX nông nghiệp 605,36 ha, đất lâm nghiệp 1.662,60 ha và một số loại đất khác 5,4 ha), Đất phi nông nghiệp 76,39 ha (đất ở 16,45 ha, đất chuyên dùng 27,64 ha và một số loại đất khác 32,3 ha), đất chưa sử dụng 1.834,17ha[1]. Đất đai phù hợp với sản xuất nông - lâm nghiệp, như trồng cây lương thực (lúa, ngô, sắn), rừng nghiên liệu (tre, bương, nứa, luồng, cây tếch, cây bạch đàn, cây thông...), trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật.

Nhiệt độ trung bình hàng năm 200C. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7, 8. Thường lạnh nhiều vào các tháng 11, 12 đến tháng 1, 2, 3 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.550 mm.

Xã có suối En chảy từ bản En ra Chiềng Sại rồi nhập vào sông Đà, dài 7 km. Suối Tăng chảy từ bản Tăng Dao ra bản Tăng Mường xã Chiềng Sại, rồi nhập vào sông Đà dài 2 km. Suối Trắng chảy từ bản Suối Trắng xuống hang suối Hồ 3 km. Suối Phù chảy từ bản Phù ra SậpViệt rồi nhập vào sông Đà, dài 7 km. Suối là nguồn nước tự nhiên phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân các bản, nhưng cũng luôn tiềm ẩn những thiên tai như vào năm 1997 mưa lũ lớn xảy ra trên địa bàn, gây thiệt hại 60% diện tích cây ngô và 50% diện tích lúa nương của nhân dân. Năm 2008, cơn bão số 6, gây ra lũ quét làm thiệt hại 01 nhà dân bị cuốn trôi, 04 nhà bị hỏng nặng và 01 máy phát điện, hàng trăm tấn ngô, sắn, bị cuốn trôi, 10 con trâu, bò bị chết, tổng thiệt hai khoảng 8 tỷ đồng.

Xã có Núi Côn cao 1.260 m so với mặt nước biển, Núi Bấu Mò cao 1.160 m, Núi Ca Trò cao 1.155 m, Núi Bản Phù cao 1.120 m, Núi Đỏ Suối Tăng cao 1.170 m, Trên địa bàn xã có dốc núi Đá dài 5 km. Có 03 hang động: hang bản Phù, hang bản En, hang bản Nhèm. Xã có diện tích rừng tái sinh 1.219,54 ha. Độ che phủ của rừng là 41% tổng diện tích tự nhiên. Có những loài thực vật quý hiếm như gỗ nghiến, lát, dổi... mộc nhĩ - nấm hương và một số loại cây dược liệu quý hiếm khác. Có những loài động vật như lợn lòi, hoẵng, cáo, cầy hương, cầy bay, ron, kỳ đà, sóc đỏ, sóc đen, chồn, và các loại chim...

2. Dân cư

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009, dân số các dân tộc xã Phiêng Côn như sau:

Thứ tự

Dân tộc

Nam

Nữ

Tổng cộng

1

Kinh

35

18

53

2

Tày

2

 

2

3

Thái

27

14

41

4

Mường

6

6

12

5

Mông

380

409

789

6

Dao

516

509

1 025

Tổng cộng

966

956

1 922

 

 

Đến 31/12/2015 xã Phiêng Côn có 6 đơn vị dân cư, 462 hộ, 2.166 nhân khẩu (nam 1.093 người, nữ 1.073 người)[2]:

 

TT

Tên bản

Số hộ

Số nhân khẩu

cách trung

tâm  xã (km)

1

Bản Tra

124

715

10

2

Bản  Phù

58

213

8

3

Bản Tăng

28

114

6

4

Bản Nhèm

92

389

7,9

5

Bản Suối Trắng

36

209

9

6

Bản En

124

526

Trung tâm xã

Tổng số

462

2.166

 

 

 

II. KINH TẾ – VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Kinh tế

Xã chủ yếu phát triển nông nghiệp, như trồng lúa, ngô, sắn, dong giềng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích các loại cây trồng chính: ngô 740 ha, lúa 3 ha, sắn 40 ha, dong giềng 13 ha; sản lượng lương thực đạt 3.000 tấn/năm. Những vật nuôi chính có trâu 230 con, bò 1.710 con, dê 830 con, ngựa 85 con. Sản phẩm lâm nghiệp của xã có tre, bương, khai thác gỗ, củi khô.

Đường liên huyện qua xã có đường Yên Châu - Phiêng Côn - Chiềng Sại, loại đường đất. Đường liên xã có 40 km, loại đường đất. Bưu điện văn hóa đặt tại trung tâm xã. Có 6/6 bản chưa có đường dây điện thoại cố định.

Trong những năm qua, xã đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế bằng nhiều nguồn vốn của các dự án chương trình 327, 135, 925, chương trình 30a và các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ... như điện - đường - trường - trạm, nước sinh hoạt, hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kinh tế trên địa bàn xã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1991-1995 đạt 4,2%/năm, giai đoạn 1996-2000 đạt 5,1%/năm, giai đoạn 2001-2005 đạt 7,3%/năm, giai đoạn 2006-2010 đạt 8,2%/năm, giai đoạn 2011 - 2014 đạt 11,3%/năm, bình quân thu nhập đầu người của xã 15 triệu đồng/năm. Cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo là 56,21%.

2. Văn hóa

Xã có hang động ở bản Phù, bản En, bản Nhèm, phục vụ du khách thăm quan du lịch.

           Người Dao ở Phiêng Côn cũng như người Dao ở các vùng khác, họ có nền văn hóa lịch sử lâu đời, tri thức dân gian phong phú. Nghi lễ phổ biến nhất của người Dao là Lễ Lập tịch đây là một nghi lễ cổ truyền ghi nhận sự trưởng thành của người con trai trong gia đình và dòng họ. Người Dao quan niệm rằng để trở thành người đàn ông thực sự, được lấy vợ, sử dụng tranh thờ, mướn làm thày... người con trai phải được làm lễ đặt tên (Lập tịch) để các "ma" chứng kiến; tùy theo gia cảnh của mỗi gia đình mà người ta làm lễ Lập tịch cho con trai sớm hay muộn, thông thường nam giới đến độ tuổi từ 11 đến 15 tuổi lúc đó gia đình chuẩn bị mọi điều kiện để làm lễ. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, thời gian nông nhàn (tháng 10, tháng 11 âm lịch hàng năm) bà con chuẩn bị mời thầy cúng đến làm lễ Lập tịch cho con trai trong gia đình, nghi lễ được tổ chức trong 3 ngày 2 đêm; đồ cúng gồm: bánh nếp, xôi, thịt lợn, giấy ngựa, tiền giả ... Ngày thứ nhất, thầy cúng mời ma lành, ma dữ đến phù hộ cho gia đình. Đêm đến, dân bản sử dụng tất cả các nhạc cụ làm nhạc đệm như trống, chiêng, chuông cùng nhau múa hát. Tiếp sau, làm lễ xin các ma được đặt tên cho con trai. Ngày thứ hai, thầy cúng làm thủ tục đuổi ma dữ đi, dân bản cùng nhau chúc mừng người con trai đã trở thành người đàn ông thực sự. Ngày thứ 3, thầy cúng và các cô gái trong bản cùng hát bài hát đưa ma lành về quê cha đất tổ, đốt giấy ngựa, tiền giả biếu ma để ma yên tâm ra đi, gia đình gia chủ được yên ấm. Đây là một nghi lễ truyền thống biểu của dân tộc Dao.

           Lễ "Cấp sắc" là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông Dao, đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm, lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Ngày tháng hành lễ cấp sắc được chọn rất cẩn thận (thường được tiến hành vào những tháng cuối năm). Người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ quy định trong các bản sắc. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con, từ anh đến em. Một buổi cấp sắc có thể làm cho một hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. Người đàn ông có vợ thường được chọn để cấp sắc trước. Điều quan trọng nhất trong các buổi lễ này là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và cha đẻ, sau đó quan sát và học một số điệu múa từ các thầy.

           Lễ "Tràu sun", là lễ hội chơi xuân truyền thống của dân tộc Dao nơi đây, mục đích của lễ là thực hiện các nghi lễ cúng thần làng, đất trời phù hộ cho một năm mới, mở đầu chu kỳ sản xuất mới mưa thuận, gió hòa mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh, trâu bò đầy chuồng, gà vịt đầy sân ... Ngoài các nghi lễ điển hình trên, người Dao còn có các nghi lễ khác như: nghi lễ ăn cơm mới, nghi lễ ăn mừng nhà mới ...

           Dân tộc Dao có phong tục thờ tổ tiên là Bàn Hồ (Bàn Vương). Bàn Hồ là nhân vật huyền thoại, thủy tổ của dân tộc dao, đã được nhắc tới trong truyện kể dân gian, thần tích và các truyện thơ, trong đó đặc biệt phải kể tới sách "Quá sơn bảng văn", Bàn Hồ (truyện thơ) được truyền miệng trong dân gian từ đời này qua đời khác. Người Dao có thể xác định dòng họ và thứ bậc qua tên đệm. Tục ma chay của người Dao được thực hiện theo tục lệ xưa của họ.

Toàn xã có 06 đội văn nghệ, hoạt động thường xuyên, các ngày lễ, ngày hội của xã, của bản, đều tổ chức biểu diễn giao lưu giữa các bản và tham gia hội diễn văn nghệ hàng năm do huyện tổ chức.

3. Giáo dục

Năm học 2014-2015 xã có 01 trường mầm non, 7 lớp mẫu giáo với 148 học sinh, 14 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường tiểu học, 15 lớp  246 học sinh, 22 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 01 trường trung học cơ sở có 4 lớp 133 học sinh, 17 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất có 7 phòng học mẫu giáo,15 phòng học tiểu học, 4 phòng học THCS.

4. Y tế, Thể thao

    Trạm y tế xã có 01 nhà làm việc cấp 4 với  phòng, 05 giường bệnh, 6 cán bộ y tế, trên địa bàn xã có 6 nhân viên y tế bản, hàng năm khám, điều trị cho khoảng 1.132 lượt bệnh nhân.

Những cây thuốc quý, những bài thuốc hay lưu truyền ở xã như chữa rắn cắn: lá bồ cu vẽ, chữa đau dây thần kinh: long nhãn, lá dâu, dậu ván trắng, củ mài..., chữa phong thấp (sưng chân): cây phong thấp, đơn gối hạc, mộc thông, chữa bại liệt: phụ tử, bạch phụ tử, tằm gió..., chữa thấp khớp: cây trâu cổ, cỏ xước, thổ phục linh, cây tầm xuân, dây rung rúc, thiên niên kiện, rễ gấc, dây đau xương, cành cây dâu, chữa kiết lỵ: lá trâu cổ, lá mơ lông, lá lốt, hạt cau, thường sơn, hạt dành dành, chữa u tiền liệt: bông má đề, nhục quế, cỏ tranh..., chữa phổi yếu: bạch linh, đẳng sâm, bạch truột, cam thảo, chữa viên gan: đan sâm, cỏ nọc sởi, hoàng bá, mộc thông, chi tử, chỉ xác, đại hoàng, cây hàm ếch, đại kế, cỏ lưới rắn, hạt nhót, nghệ đen, hoàng lực, cây rẻ quạt..., chữa hen: ma hoàng, hồ tiêu sọ, nhục quế, cam khương, đinh hương, chữa viêm loát dạ dày: ngũ vị cam, bồ cu vẽ, cây me dây; chữa đau bụng, tiêu chảy: lá bồ cu vẽ, lá dấu, lá dối, lá vòng, lá dưa chuột, lá vông vang, chữa sỏi thận: hạt chuối rừng, quả dứa rừng, kim tiền thảo, bông mã đề..., chữa viêm ruột: cây mua, chỉ xác, mộc thông, bách bộ, hạt muồng, ngưu tất..., chữa chảy máu nội tạng: tam thất tán bột.

Xã có 01 sân vân động, các bản trong toàn xã đều có sân bóng chuyền. Sân cầu lông ở đơn vị cơ quan xã, nhà trường đều luyện tập và thi đấu thường xuyên. Những môn thể thao dân gian ở xã có bắn nỏ, đánh tu lu của đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua xã phát triển môn cầu lông ở tất cả các trường và Uỷ ban nhân dân xã đã có sân cầu lông phục vụ nhu cầu chơi thể thao của các thầy cô giáo, cán bộ và nhân dân trong xã.

III. LỊCH SỬ

Sau cách mạng tháng 8/1945 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Phiêng Côn thuộc Chiềng Xôm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Sau chiến dịch Tây Bắc, từ năm 1953 đến tháng 4/1955 địa bàn Phiêng Côn thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Từ 5/1955 đến 10/1962, thuộc châu Yên Châu, Khu tự trị Thái - Mèo. Từ 11/1962 đến 12/1975, thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Khu tự trị Tây Bắc. Từ 1976 thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Theo Quyết định số 20-QĐ/TC ngày 21/7/1959 của Uỷ ban hành chính Khu tự trị Thái - Mèo, địa bàn Chiềng Sại, Chiềng Sinh (Phiêng Côn) được tách từ xã Chiềng Xôm để thành lập 3 xã Chiềng Sại, Chiềng Sinh và Chiềng Xôm. Quyết định số 105/CP Ngày 13/3/1979 của Hội đồng Chính phủ, sáp nhập 4 xã của huyện Yên Châu là Tạ Khoa, Mường Khoa, Phiêng Côn, Chiềng Sại vào huyện Bắc Yên.

 Đảng bộ xã hiện nay có 17 chi bộ trực thuộc, 141 đảng viên.

Trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc Phiêng Côn đóng góp sức người, sức của và hoàn thành mọi nghĩa vụ cho Nhà nước, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương, đất nước.

Xã có 01 liệt sỹ.

Nhiều tập thể và cá nhân trong xã đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng Ba cho lực lượng dân quân xã năm 1963. Huân chương Chiến công hạng Ba cho chi hội phụ nữ năm 1963. 12 người được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. 15 người được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. 16 người được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. 14 người được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. 15 người được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. 03 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. 16 tập thể được các Bộ ngành Trung ương tặng bằng khen. 96 tập thể được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen. 08 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. 20 cá nhân được các Bộ ngành Trung ương tặng bằng khen. 35 cá nhân được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen.

 


[1] Nguồn: Huyện ủy Bắc Yên (Công văn số Số 374 - CV/HU ngày 22/8/2016 về việc góp ý vào dự thảo

Dư địa chí Sơn La)

[2] Nguồn: - Số hộ, số nhân khẩu theo Cục Thống kê Sơn La

               - Khoảng cách từ trung tâm xã đến các bản theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên

 

  • Video
  • Hình Ảnh
Không có video - Upload lại link